CPD: Phát triển bản thân liên tục với CPAA

CPD: Continuing Professional Development, còn được hiểu là: phát triển nghề nghiệp không ngừng.

1. CPD là gì? Yêu cầu về CPD như thế nào?

Khi đã trở thành thành viên của một trong những hiệp hội kế toán lớn nhất thế giới CPA Australia (CPAA), một trong những điều bạn cần đáp ứng, bên cạnh đóng phí hội viên hằng năm hay tuân thủ về mặt đạo đức nghề nghiệp, là yêu cầu về Continuing Professional Development (CPD), có thể hiểu đây là yêu cầu đòi hỏi bạn phải liên tục phát triển bản thân, đặc biệt ở khía cạnh nghề nghiệp.

Bất cứ hoạt động nào góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng để giúp bạn hoàn thành tốt công việc hiện tại và chuẩn bị cho con đường sự nghiệp trong tương lai đều được ghi nhận. Các hoạt động này bao gồm: hội nghị, khóa học, hội thảo, thảo luận nhóm, training, nghiên cứu, tự học online, học ngoại ngữ, đọc sách, networking event, mentoring,… CPAA yêu cầu bạn phải đáp ứng được ít nhất 120 giờ CPD trong mỗi một khoảng thời gian là 3 năm (gọi là “triennium”), với ít nhất 20 giờ mỗi năm.

2. Nếu không đạt yêu cầu thì bị xử lý như thế nào?

Nếu bạn không tuân thủ yêu cầu về CPD có bị làm sao không? Câu trả lời là hên xui, vì CPAA không thể kiểm tra hết hơn 150.000 hội viên của mình trên khắp thế giới xem có tuân thủ yêu cầu CPD hay không, mà chỉ có thể lựa chọn ngẫu nhiên hằng năm để kiểm tra. Nếu bạn là “người được chọn”, và bạn không đáp ứng được yêu cầu, hay không cung cấp được thông tin cho cuộc kiểm tra thì bạn có thể bị treo bằng hoặc giáng cấp.

3. Làm gì để đáp ứng yêu cầu CPD – Kinh nghiệm bản thân

Ban đầu thì mình cũng nghĩ là rất khó để tích cóp CPD vì mình thường không tham gia các hoạt động liên quan đến chuyên ngành cho lắm. Một trong những hoạt động phổ biến để hội viên có thể tích điểm CPD, được văn phòng CPAA ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thường kỳ là các workshop nho nhỏ về các chủ đề chuyên ngành thì mình thường không tham gia được vì kẹt thời gian. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ các thông tin về CPD trên website của CPAA và ngồi liên hệ lại các hoạt động mà mình đã làm trong năm thì thấy có kha khá các hoạt động có thể tích điểm được. Mình ví dụ một số hoạt động mình đã liệt kê với CPAA năm rồi để tích điểm CPD để các bạn có thể tham khảo:

3.1. Đọc sách: đọc sách thì ai cũng làm được ^^. Và có thể vì hoạt động đọc sách khá dễ “ăn điểm”, nên hoạt động này bị giới hạn với quota 10 giờ cho một năm và 30 giờ cho một triennium. Không nhất thiết phải là sách chuyên ngành, mình đọc mấy sách như “Successful Interviewing and Recruitment” hay “Thế giới phẳng”, “Từ Beirut đến Jerusalem”. Miễn là sách, dù về bất cứ chủ đề gì, khi đọc mình cũng vỡ ra một điều gì đấy, ví dụ như tâm tư tình cảm hay phong cách hành văn của tác giả chẳng hạn. Nói chung là không bổ dọc cũng bổ ngang ^^.

3. 2. Mentoring: mình có hướng dẫn cho một anh học thi ACCA 2 môn là Auditing và Financial Accounting. Tuy rốt cuộc hình như ảnh rớt cả hai, nhưng lúc mentor ảnh mình cũng đã cố gắng hết sức. Nhờ mentor ảnh mà mình phải móc sách ra đọc lại và nhờ vậy mà nhớ lại kha khá kiến thức. Vậy mới nói việc mentor người khác không những giúp người mà thực ra bạn cũng đang giúp chính mình rất nhiều. Mình cũng một năm 2 lần tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm về thi tuyển vào các công ty kiểm toán Big4 cho các em sinh viên. Hoạt động này cũng có thể liệt kê vào hạng mục “Networking”. Những hoạt động như thế giúp mình network được với rất nhiều bạn trẻ tài năng dễ thương đang làm việc ở các Big4 và với các bạn sinh viên năng động nhiều hoài bão.

3.3. Học anh văn: trình độ tiếng Anh còn kém quá nên phải học thêm nhiều (thực ra mình cũng không được chăm chỉ học cho lắm. Không học thì thôi, sẵn đã học thì liệt kê kiếm điểm CPD luôn kaka.

3.4. Học online: mình có học mấy khóa về Big Data/Data Analysis trên website học online nổi tiếng Couresa, thấy rất ok. Trên này mình thấy có nhiều khóa học thú vị, bạn có thể học miễn phí để lấy kiến thức thôi hoặc nếu muốn lấy certificate thì đóng tiền hoặc xin financial aid. Mình thì xin financial aid để lấy certificate luôn với suy nghĩ là đã bỏ thời gian ra học thì cũng phải được cái certificate cho vui kakaka. Nói chung việc học này chỉ thấy lợi chứ không thấy hại, vừa là trải nghiệm một phương thức học mới tiên tiến của thế giới, được nghe lời vàng ý ngọc của các giáo sư nổi tiếng của các trường đại học danh tiếng mà nếu không có “thế giới phẳng”, không có Internet và không có những con người xuất sắc tạo ra các sáng kiến hay ho như cái learning online platform này thì mình còn khuya mới được trải nghiệm, vừa là có thêm kiến thức, thêm cái certificate để bỏ lên profile trên LinkedIn hay trên resume, và vừa có cái để tích điểm CPD kaka.

Ban đầu thì mình cũng hơi khó chịu với cái yêu cầu CPD này, nhưng sau thì thấy nó thật hữu ích. Bạn phải phát triển bản thân, và thiệt hạnh phúc khi có một tổ chức hay một người nào đó luôn theo dõi canh chừng bắt bạn phải làm việc đó (giống như hồi nhỏ đi học có cô giáo dò bài vậy đó). CPAA không kêu gọi hô hào bạn phải phát triển bản thân một cách chung chung, mà có những phương thức cụ thể để bắt bạn làm và theo dõi việc đó. Việc đó giúp bạn biết mình cụ thể sẽ phải làm gì để giỏi hơn mỗi ngày. Bạn không cần phải giỏi hơn ai, chỉ cần hay hơn tốt hơn bản thân mình của ngày hôm qua là khá lắm rồi. Đối với những bạn không phải là hội viên của CPAA, mình hy vọng các bạn cũng sẽ áp dụng phương thức này, tự đặt ra mục tiêu cho mình, ví dụ 200 giờ CPD cho một triennium chẳng hạn, để không ngừng phát triển bản thân.

Để biết thêm thông tin về CPD của CPAA, mời các bạn tham khảo ở đường link này: CONTINUING PROFESSIONAL DEVELOPMENT

Chúc mọi người sẽ đều có một hành trình học hỏi và khám phá bản thân đầy thú vị!

Source: Coffeejob

Leave a comment