Những quy tắc vàng về kết cặp font trong thiết kế

Chọn lựa font chữ và kết cặp các font thế nào cho hợp lý (typography trong nghĩa hẹp của nó) có lẽ là một trong những vấn đề làm đau đầu nhiều dân đồ họa nhất bởi đó là một trong những yếu tố quyết định một thiết kế đẹp hay xấu. Để làm tốt việc này, nhà thiết kế cần có óc thẩm mỹ, kinh nghiệm, bản năng và nhiều nhiều thứ khác, phần lớn trong số đó thuộc về phạm trù năng khiếu. Tuy nhiên, một trong những thứ liên quan lại có thể dạy được, đó là các quy tắc và kỹ thuật kết cặp font được nhiều chuyên gia lấy làm kim chỉ nam. Với các quy tắc này, không chỉ anh em chuyên nghiệp, mà cả những người nghiệp dư tập tành chơi Photoshop hay thậm chí anh em văn phòng trình bày văn bản hoàn toàn có thể ứng dụng và làm cho tác phẩm của mình đẹp hơn.
Quy tắc 1: Chỉ dùng nhiều nhất 2 font, trong số ít trường hợp có thể dùng 3 font
Đây có lẽ là quy tắc phổ biến nhất giúp cải thiện hầu hết các thiết kế. Lý do giải thích cho nguyên tắc này là nếu bạn dùng nhiều hơn hai font, thiết kế của bạn thường sẽ trở nên thiếu rõ ràng, rối rắm và hỗn loạn. Trong khi nếu dùng hai font thôi, tính rõ ràng trong thiết kế của bạn sẽ giúp người đọc nắm bắt nội dung nhanh hơn và biết rõ mục nào chính mục nào phụ, hay cái nào cụ thể, cái nào tổng quan.
Cụ thể, với hai font, chúng ta nên dùng một font cho các tiêu đề chính, tiêu đề con, các đề mục nhỏ… trong khi font còn lại thường dược dùng cho phần nội dung (body), nên nhớ font body sẽ là font dùng cho phần lớn văn bản trong thiết kế của bạn.
Quy tắc 2: Hai loại font thường đi đôi cùng nhau: Serif và Sans Serif
serifsansserif.jpg
Một trong những kỹ thuật giúp việc kết cặp font thành công đó là cho một anh serif đi cùng với một nàng sans serif. Nếu bạn không chắc “ai là ai” thì lưu ý là anh serif có “chân” (xem hình trên) trong khi nàng sans serif thì không. Ở ví dụ trên, Georgia là một font serif và Helvetica Neue thuộc loại sans serif. Sự kết đôi giữa hai cặp font này sẽ khiến bản thiết kế của bạn trở nên đẹp hơn, lý do là bởi chúng đủ khác để giúp người đọc phân biệt tiêu đè và nội dung cụ thể với nhau. Khi dùng cặp đôi này, bởi đặc điểm của loại serif giúp người đọc dễ theo dõi các đoạn block văn bản dài, serif thường phải “lao động cực nhọc” hơn (coi nó là đàn ông cho dễ nhớ!) lo đảm nhiệm phần nội dung (body). Trong khi nàng sans serif sẽ lãnh nhận các phần tiêu đề/đầu đề.
Quy tắc 3: Không nên chọn các font quá giống nhau
fontdifference.jpg
Một quy tắc khác nên nhớ là không nên chọn các font quá giống nhau. Đứng ở góc độ người đọc tất nhiên bạn sẽ không muốn người thiết kế/trình bày bắt bạn phải căng mắt ra để phân biệt sự khác nhau giữa hai loại font phải không? Việc đó sẽ phá vỡ tính rõ ràng và hạn chế người đọc tiếp cận nội dung trình bày do người đọc không thể lướt nhanh nắm tổng quan văn bản của toàn bộ thiết kế được.
Trong ví dụ trên, như các bạn thấy font Palatino và Times New Roman khá giống nhau, nếu nhìn từ xa các bạn sẽ khó phân biệt chúng. Trái lại, chỉ nhìn lướt qua thôi bạn đã thấy sự khác biệt rõ ràng giữa Palatino và Century Gothic ở phía phải bức hình trên.
Đối với những người đã quen với các font chữ thì tốt nhất là không nên chọn các font trong cùng một họ. Ví dụ, bạn sẽ không muốn cùng sử dụng hai font họ slab serif như Arvo và Clarendon (hình dưới, trái là Arvo, phải là Clarendon) bởi lẽ sự giống nhau trong dạng “chân” (serif) của chúng (do cùng một họ slab serif). Lời khuyên này cũng được áp dụng đối với việc chọn các font có cùng độ mảnh, độ đậm nhạt, hay là cùng kiểu chữ viết.
arvo-clarendon-1.jpg
Quy tắc 4: Kiểm tra x-height của các font và đảm bảo chúng tương thích với nhau
xheight.jpg
X-height của font chính là độ cao giữa phần dưới và phần trên của chữ viết thường (ví dụ như chữ a, o, u, c, …) mà không tính phần kéo dài xuống dưới (như ở các chữ như p, q…) hay phần mở rộng lên trên (như ở các chữ h, k, t, d, …). Theo quy tắc này, x-height của các font bạn chọn phải tương thích với nhau, tức chúng phải không quá khác nhau về lượng và hiệu ứng tác động lên thị giác. Nhìn chung, các font có x-height tương thích phải khiến cho văn bản trở nên rõ ràng hơn.
Trong thực tế, cách dễ dàng nhất để áp dụng quy tắc trên là chồng chập hai font mà bạn chọn tại cùng một kích thước ký tự (cùng số point chữ) (xem hình), nếu x-height của chúng bằng nhau thì có thể xem là ổn. Trong hình trên, các bạn sẽ thấy cặp Georgia và Impact không phải là một đôi đẹp bởi x-height khác nhau. Trong khi đó, bên phía phải, Arvo và Helvetica Neue cho chúng ta một hiệu ứng thị giác tốt hơn, thoải mái hơn, và dễ nhìn hơn nhiều.
Quy tắc 5: Cố gắng tăng độ tương phản giữa các font
Thông thường các bạn có thể tăng độ tương phản giữa hai font bằng cách chọn một font đậm và tối (dark and heavy) sẵn trong khi font kia dạng bình thường. Khi áp dụng lên văn bản, font đậm sẽ được dùng cho phần tiêu đề và font bình thường cho phần nội dung cụ thể, đó là một cách thực hành tốt hơn cả.
Hãy sử dụng ví dụ về x-height ở trên. Impact là một font đậm trong khi Georgia là một font bình thường. Việc kết đôi chúng nếu xét theo tiêu chuẩn này thì có thể được coi là tốt (giả dụ rằng x-height của chúng giống nhau), Impact sẽ được dùng làm font tiêu đề trong khi Georgia sẽ đảm nhận phần nội dung. Trong khi nếu xét hai font bên phải, Helvetica Neue và Arvo, dù tương hợp về x-height, đáng tiếc thay chúng lại quá giống nhau về độ dày, đậm, và tối. Do vậy nếu xét chung hai tiêu chuẩn thì không có bộ đôi nào trong hai bộ này sẽ được dùng trong thiết kế chính quy.
Lời kết
Như vậy, tóm gọn lại, chúng ta có 5 quy tắc sau:
1. Nên dùng nhiều nhất hai font, trong số ít trường hợp có thể cho phép dùng 3 font.
2. Nên kết cặp font Serif và Sans Serif cùng nhau
3. Đừng chọn các font quá giống nhau về kiểu chân chữ, độ đậm nhạt, kiểu chữ viết…
4. Nên chọn các font có x-height tương thích, dễ nhất là chọn x-height bằng nhau.
5. Cố gắng tăng độ tương phản giữa các font.
Trong khi những quy tắc trên có thể giúp cải thiện việc chọn lựa font của bạn trong thiết kế thì cũng không thừa khi nhắc lại rằng quy tắc tối tổng quát nhất đó chính là làm sao cho thiết kế đạt được mức độ rõ ràng nhất định, thế là đủ. Một trong những cách kiểm tra nhanh là sao chép một đoạn văn nào đó trong bài của bạn có cả phần tiêu đề và nội dung cụ thể sau đó nhờ một người quen (nếu là dân đồ họa càng tốt) xem giúp. Sau khi họ đọc xong hãy hỏi họ những câu hỏi kiểu như “bạn có đọc chúng dễ không?”, “có phải căng mắt đọc không?”, “bạn có thể nói cho tôi biết sự khác nhau giữa hai font trong bài không”, v.v… Nhờ vậy, bạn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho thiết kế của mình chính xác hơn, bởi xét cho cùng, độc giả chính là người đóng vai trò quyết định cho sự thành công của thiết kế của bạn.
Nguồn: Tinhte (TheNextWeb)

10 bài học cổ điển trong quảng cáo

Quảng cáo hiện đại đang tung hoành trên các phương tiện truyền thông và len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống. Tuy nhiên, dù quảng cáo có bay bổng trên nền công nghệ tiên tiến mấy đi chăng nữa thì những bài học cổ điển sau đây vẫn không hề xưa cũ…

Trong xu thế toàn cầu hóa với nền kinh tế phát triển cao độ và cạnh tranh khốc liệt, một trong những nguyên tắc của quảng cáo là sử dụng ít thời gian, không gian nhưng biểu đạt được thông điệp quảng cáo hiệu quả nhất, nhằm tạo lập mối quan hệ bền lâu giữa thương hiệu và khách hàng.

1. Cá tính hóa sản phẩm

Người làm quảng cáo phải phát hiện ra cá tính và thổi hồn vào sản phẩm để nó sống động và có cá tính như con người vậy. Hơn thế nữa, trong mỗi sản phẩm đều ẩn chứa tính hài hước nên nếu phát huy được đặc trưng này sẽ tạo ra bước đột phá cho quá trình cá tính hóa sản phẩm. Sứ mạng của quảng cáo là làm sống động một sản phẩm vô tri vô giác nhằm đem lại cho nó những cá tính tươi mới và hấp dẫn người tiêu dùng.

2. Chủ đề độc đáo

Trong ý tưởng về đồ hình, một dự án quảng cáo phải tìm kiếm, chọn ra một chủ đề mới mẻ độc đáo, cô đọng và hàm chứa dung lượng thông tin lớn. Mọi sự quen thuộc, đơn điệu sẽ tạo ra sự nhàm chán và khiến khách hàng thờ ơ với sản phẩm.

3. Tính hài hước và cách điệu cao

Tính hài hước ngày càng trở thành một phần tất yếu, không thể thiếu trong đời sống đương đại. Con người cần có giây phút thư giãn trong dòng chảy công nghiệp vốn khẩn trương và nhiều áp lực. Nhằm vào tâm lý chung đó, người làm quảng cáo phải nhân cách hóa sản phẩm để làm cho khách hàng có thể cười, nhâm nhi dư vị về dấu ấn khó phai mà sản phẩm lưu giữ trong tâm thức của mình.

4. Khơi gợi tình cảm

Quảng cáo phải làm cho khách hàng ấn tượng sâu sắc mới có thể phấn khích được họ, khiến họ mở hầu bao để mua và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Ngược lại, mọi sự dối trá, nhàm chán, làm điệu kệch cỡm… chỉ tạo ra sự phản cảm trong người tiêu dùng, thậm chí còn sinh lòng ác cảm đối với sản phẩm.

5. Gây tưởng tượng nhằm cường điệu hóa ký ức

– Tăng cường kích thích: Quảng cáo cần phải mới, đưa ra những ý tưởng mà khách hàng không thể ngờ tới, đồng thời phải không ngừng lặp lại ý tưởng đó nhằm khắc sâu trong tâm trí họ ấn tượng về thương hiệu.

– Hệ thống hóa nội dung quảng cáo: Chọn chủ đề mới mẻ, tiện cho việc thu nạp thông tin vào ký ức. Ngôn ngữ quảng cáo phải tạo ấn tượng tốt, hấp dẫn lôi cuốn người nghe.

– Lặp lại thông điệp: Luôn lặp lại nội dung cần truyền tải một cách đồng nhất nhưng biến đổi về thời gian, không gian, góc độ và điều này sẽ phát huy hiệu quả trong việc mang lại cảm xúc tươi mới cho người xem.

6. Tạo sự bất ngờ

Hãy hỏi khách hàng đang mua một sản phẩm nào đó về tính tiện lợi trong sử dụng, đặc điểm nào tốt, cái gì cần hoàn thiện… và bố trí ghi hình chớp nhoáng cuộc phỏng vấn này. Đây là một cách làm quảng cáo tự nhiên, ít tốn kém nhưng nhiều lúc mang lại hiệu quả không ngờ.

7. Lợi dụng tâm lý tôn sùng người nổi tiếng

Những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng. Việc mời các minh tinh màn bạc, vận đông viên tài ba, học giả, danh họa, nhạc sỹ danh tiếng… làm quảng cáo là cách cổ điển muôn đời nhưng lại tỏ ra vô cùng đắc dụng. Tại sao việc này lại có sức hấp dẫn khách hàng đến vậy? Đơn giản vì cơ sở của niềm tin đôi khi chỉ là chạy theo tâm lý đám đông mà thôi.

8. Ngôn ngữ lôi cuốn và gợi tình cảm thân thuộc gia đình

Chính sự thân tình, lôi cuốn trong ngôn ngữ quảng cáo là lực hấp dẫn vô hình níu kéo khách hàng đến với sản phẩm. Nhiều khi khách hàng mở hầu bao để mua một sản phẩm chỉ vì sự gợi nhớ thân thuộc nào đó ám ảnh trong tâm trí họ mà không biết vì đâu.

9. Đánh thức các nhu cầu tiềm ẩn

Con người có bao nhiêu nhu cầu tiềm ẩn vậy tại sao quảng cáo lại không khai thác nguồn tiềm năng này?

– Hướng vào nhu cầu nhanh tiện: Một hãng hàng không kêu gọi cưỡi máy bay của hãng chúng tôi, bạn sẽ thấy nơi đâu cũng tràn ngập khí trời trong lành.

– Hướng vào tình ái: Một quảng cáo ví chiếc điện thoại di động như một người tình thủy chung, không bao giờ lìa xa và luôn bên bạn dù bạn ở đâu trên thế gian này.

– Hướng vào chí tiến thủ: Một doanh nghiệp sản xuất cầu thang điện chia sẻ cầu thang điện sẽ đưa bạn lên những tầm cao mới trên con đường thành đạt.

– Hướng vào sự hãnh diện, đẳng cấp: Một hãng xe hơi quả quyết xe của họ là xe đắt nhất thế giới.

10. Quảng cáo ẩn hình

Cách thức này không chọn kiểu quảng cáo phổ thông mà ẩn mình vào ngôn ngữ điện ảnh, phát thanh, truyền hình, báo chí, đặc biệt là mượn lời của một quan chức VIP nào đó… để mọi người cảm nhận thông tin về sản phẩm theo lối tự nhiên như hít thở khí trời. Vì sự tinh tế và thông minh nên kiểu quảng cáo này thường có độ tin cậy cao đối với khách hàng.

(Nguyễn Trường – Theo báo Tầm Nhìn)