Sự nổi tiếng hay viên đạn kết thúc một huyền thoại

Cuộc đời và cái chết của John Lennon nhắc nhở chúng ta cần phải tiếp tục câu hỏi đã huỷ hoại ông ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp cho đến khi bị ám sát: nổi tiếng để làm gì?

Chàng kính tròn cao ngạo và vị chát của sự nổi tiếng

Đây là khoảng thời gian trong năm dành cho John Lennon – người sáng lập ban nhạc The Beatles đã không may bị ám sát vào ngày 8/12/1980, chỉ vài tuần sau ngày sinh nhật lần thứ 40 của ông. Trong vài tháng qua, hàng loạt tư liệu, những số báo được tái bản, những thước phim và vô số các cuộc triển lãm được tổ chức để tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của huyền thoại nhạc Pop này.

Ban đầu, dường như các hoạt động trên là để tiết lộ những khám phá về âm nhạc của Lennon. Nhưng khi ngày mất của ông tới, và khi những hoạt động tưởng nhớ đã dừng lại, nguyên nhân chính của những hoạt động tưởng nhớ sôi nổi này lại không phải là về phiên bản “Imagine” mới nào, mà là về sự nổi tiếng của Lennon – thứ đã giết chết ông – mà tới giờ vẫn còn rất lớn.

John Lennon, một trong những nhạc sĩ sáng tạo nhất của thế kỷ trước, cũng là người đi tiên phong về mức độ nổi tiếng – một người mưu cầu, chế giễu, tận dụng, và cuối cùng lại bị huỷ hoại bởi chính danh tiếng lừng lẫy của bản thân. Thời gian đó, chính ông đã khai hoá tư tưởng đương thời về địa vị của các ngôi sao và những hiệu ứng do nó mang đến.

“Cuộc sống của chúng tôi chính là nghệ thuật của chúng tôi” – Lennon đã phát biểu như vậy ba ngày trước khi ông qua đời – một quan điểm rất mới lạ vào cái thời chưa xuất hiện chương trình truyền hình thực tế ấy. Trong sự tác động mạnh mẽ của truyền thông đến thế giới hiện nay, bài học về sự nổi tiếng của Lennon vẫn rất giá trị, cả về mặt đáng học tập lẫn mặt tác hại mà chúng ta sẽ gặp phải nếu cố tình phớt lờ.

Dưới phòng thay đồ trong tầng hầm ẩm ướt ở Liverpool và Hamburg, Lennon đã khích lệ các thành viên của Beatles theo kiểu “call-and-respond” (hỏi và trả lời) “Chúng ta đang đi đâu, các chiến hữu?“. Và Paul, George và Ringo sẽ đáp lại: “Tới đỉnh cao nhất của nhạc Pop, Johnny!(1).

Chỉ trong hai năm, họ đã đạt được mục đích đó. Nhưng vấn đề nằm ở “đỉnh cao” – được hiểu là một mức cao hơn độ nổi tiếng của Elvis – hoá ra lại không phải là nơi dễ chịu nhất. Trên sân khấu ở Chicago, Lennon bị một chiếc giày ném vào đầu. Ở Madrid, ban nhạc chứng kiến cảnh sát đàn áp người hâm mộ. Ringo, thành viên người Do Thái đã nhận được lời đe doạ tại Motreal từ những kẻ bài Do Thái.

Các buổi diễn nối tiếp các buổi diễn. Tại Melbourne, một người đàn ông đã leo tám tầng khách sạn theo đường ống dẫn nước để gõ cửa căn phòng của Lennon. Ông thậm chí còn mời gã nước uống, tuy nhiên sự cuồng tín hiện lên trên mặt gã đã khiến Lennon vô cùng sợ hãi. Như ông trả lời một phóng viên vào năm 1965: “Chúng tôi rất có thể chết vì tai nạn máy bay hoặc là bị bắn vỡ đầu bởi một số kẻ điên rồ nào đó.”

Trong vòng xoáy điên rồ đó, sự châm biếm trở thành vũ khí chống cự đầu tiên của Lennon và cũng là sức quyến rũ lớn nhất của ông. Ngay từ đầu, ông đã coi sự nổi tiếng của bản thân như một thú vui tiêu khiển cá nhân, ông phân tích và chế giễu địa vị ngôi sao (mà chính ông là một đại diện tiêu biểu) như thể ông chỉ đang theo dõi nó từ đằng xa.

Được mời đến biểu diễn trước Hoàng Thái Hậu trong chương trình âm nhạc Hoàng gia, tất nhiên Lennon tuân theo. Nhưng ông không thể không cường điệu hoá nghi lễ cúi chào và đề nghị khán giả “khua lách cách trang sức” thay vì vỗ tay cho màn biểu diễn của ông.

Cuộc họp báo đầu tiên của ban nhạc tại Mỹ được tổ chức tại sân bay quốc tế John F.Kennedy ngay buổi chiều khi họ đặt chân xuống vào năm 1964 cũng là một ví dụ cho sự trào phúng của Lennon trong cách tự quảng bá cho ban nhạc của mình.

Phóng viên: Ông có thể hát một vài câu được không?

LENNON: Chúng tôi cần tiền trước.

Phóng viên: Ông nghĩ rằng âm nhạc của mình sẽ phục vụ cho khán giả những gì?

LENNON: Nếu chúng tôi biết, chúng tôi sẽ lập một ban nhạc khác và lên làm quản lý.

Trong khi các thành viên khác của Beatles hài lòng với những gì họ có, thì sự châm biếm của Lennon càng trở nên sâu sắc hơn. Ông chế giễu những nhà phê bình cho rằng việc giải tán ban nhạc là một chiêu quảng cáo rẻ tiền,

và cả người hâm mộ những người gào thét điên cuồng dù chỉ nhìn thấy ông thoáng qua.

Nhưng việc ông bắt chước Hitler trên ban công khách sạn (đeo ria mép hình lược, chào theo kiểu người Giéc-manh), hay việc nói rằng ban nhạc Beatles còn “nổi tiếng hơn cả chúa Jesus” cũng chỉ nhằm mang đến một thông điệp chung “Sự nổi tiếng là một điều hài hước, và tôi luôn bắt kịp những trò đùa”.

Những người nổi tiếng đi trước Lennon như Frank Sinatra, Marilyn Monroe, Elvis Presley chấp nhận vai diễn mà nền văn hoá thời đó đóng khung cho họ. Còn Lennon lại liên tục phá vỡ nhân vật của mình, khiến công chúng không thể lờ đi sự khác biệt giữa nhân vật và con người của chính ông. Ông là người nổi tiếng biết biến hoá phong cách đầu tiên trong làng giải trí.

Bị giết bởi chính sự nổi tiếng

Bắt đầu từ năm 1967, quan điểm của John Lennon về địa vị của ngôi sao bắt đầu hiện hữu nhiều hơn trong các tác phẩm của ông. “I am the Walrus” có nội dung đề cập đến bài hát “Lucy in the Sky With Diamonds” của ông phát hành trước đó có ba tháng. “Glass Onion” thì bóng gió ám chỉ các bài hát nổi tiếng khác của ban nhạc Beatles. “The Ballad of John and Yoko” lại so sánh chuyến đi trăng mật của cặp đôi này như là nỗi khổ cực và phiền phức của Chúa Jesus.

Và trong tác phẩm “God” – có lẽ là một trong những bài hát tự cao tự đại nhất trong lịch sử – một Lennon ưa phóng khoáng đã cho rằng Chúa đã “tái sinh” thành “John” chứ không còn là “người thêu dệt cho những ước mơ”. Ông đã nói với những con chiên đau khổ của mình rằng “Giấc mơ đã kết thúc. Các bạn phải tiếp tục cuộc sống hiện tại”.

Thậm chí trong các bài hát pop thì chủ nghĩa vị kỷ này cũng là một hiện tượng bất thường vì hầu hết các nghệ sỹ dù là ca ngợi sự nổi tiếng của chính họ cũng thường sử dụng những lời lẽ hoa mỹ khoa trương.

Nhưng ngay cả mức độ và phạm vi nổi tiếng của Lennon cũng đã là bất thường, đó mới là John Lennon. Sự nổi tiếng là một phần quan trọng trong cuộc đời John Lennon, cho nên cũng là một phần không thể thiếu trong nghệ thuật của ông.

Nếu chúng ta nhìn lại, sự tiên phong của Lennon trong việc đặt cuộc sống vào nghệ thuật, và đưa nghệ thuật vào cuộc sống có thể coi là một lời tiên tri xuất sắc. Ngày nay, lối sống đó là điều kiện tiên quyết khẳng định địa vị của một ngôi sao.

Lindsay Lohan có thể đã từng khao khát trở thành diễn viên, nhưng vai diễn chính của cô – một ngôi sao vào tù ra tội – lại không phải trên màn ảnh, mà là trên các mặt báo hàng ngày về chính đời tư rắc rối của cô. Rất nhiều những ngôi sao nhạc Pop đang làm mưa làm gió hiện nay như Jessica Simpson hay Susan Boyle lại là những người mà công chúng biết tới lần đầu, hoặc tìm hiểu rõ hơn qua các chương trình truyền hình thực tế.

“The Hills” chương trình ăn khách nhất trong lịch sử MTV gần đây là những điều ngồi lê đôi mách về một người Los Angeles trẻ tuổi – người nổi tiếng nhờ chương trình truyền hình “The Hill”. Và cũng có một Kanye West, người sở hữu một tài khoản Twitter mà đọc qua giống như những bài tường thuật về sự nổi tiếng của chính bản thân anh ta.

Vào năm 1975 – chỉ một thời gian ngắn sau khi cảnh báo về mặt trái của hiệu ứng ngôi sao trong “Fame” – Lennon lại khẳng định rằng đây là thời điểm thích hợp để cố gắng sống như người bình thường, hoặc ít nhất là ông đã tưởng tượng về cuộc sống của một người-không-nổi-tiếng.

Sống thu mình ở Dakota cùng với con trai mới sinh, ông tự nướng bánh và đưa con đi dạo trong công viên, để Yoko Ono toàn quyền quản lý việc kinh doanh của hai người. Năm 1980, ông tuyên bố: “Tôi không còn ham muốn được coi là một ca sỹ hát nhạc rock-and-roll nổi tiếng nữa, tôi là một ông chồng làm nội trợ và tôi cảm thấy tự hào về điều đó”.

Tuy nhiên, Lennon không bao giờ thực sự lui về ở ẩn. Nếu có ý định như vậy, ông chắc chắn không bao giờ viết một bài hát thể hiện sự quyết tâm rời bỏ cuộc sống đầy màu sắc của người nổi tiếng (Watching the Wheels) hoặc đưa bài hát đó vào album

cường điệu hoá sự trở lại của mình (Double Fantasy). Đối với ông, nghỉ hưu chỉ là một nỗ lực khác nhằm điều chỉnh lại mối quan hệ của bản thân với sự nổi tiếng.

Nhờ kẻ ám sát Mark David Chapman, đó trở thành nỗ lực cuối cùng của ông. Lennon, bằng sự độc đáo trong phong cách và tư tưởng, đã mơ hồ đánh thức những khao khát mà sau cùng gây ra cái chết của chính bản thân ông. Chapman thú nhận: “Tôi cảm thấy nếu giết John Lennon, tôi có thể trở thành một ai đó”. Anh ta đã tìm kiếm “sự nổi tiếng tức thì” – được chính nạn nhân nổi tiếng của anh ta sáng chế ra.

Nhưng khi nhìn lại, rõ ràng thành tựu lớn nhất của Lennon, ngoài việc để lại những bài hát bất hủ, không phải việc ông đã cố gắng trở nên nổi tiếng khác thường. Thành tựu đó nằm ở chỗ ông là một ví dụ điển hình về việc nghiên cứu kỹ lưỡng và quản lý sự nổi tiếng, biến nó thành một công cụ đa chức năng cho các ngôi sao.

Trước Lennon, sự nổi tiếng là phần thưởng đạt được sau khi bán được nhiều bản thu âm, hoặc vé xem phim, hoặc bất cứ cái gì khác. Sau thời đại của ông, sự nổi tiếng có thể coi là một công cụ, một thứ gì đó để sử dụng giống như nghệ sỹ sử dụng đàn ghita. Như Lennon đề cập vào năm 1968:“Chúng tôi có được sự nổi tiếng, và chúng tôi sẽ cố gắng tận dụng nó, chứ không phải chỉ để sở hữu nó”.

Ngày nay, ranh giới giữa đời tư và nghệ thuật quá mờ nhạt, và mỗi người đều trở nên tham lam sau khi họ nổi tiếng. Cuộc đời và cái chết của Lennon nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc tiếp tục câu hỏi đã huỷ hoại ông ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp cho đến khi bị ám sát: nổi tiếng để làm gì?

——————

(1) Nguyên văn: “To the toppermost of the poppermost”, sau này đã trở thành một câu nói nổi tiếng gắn với tên tuổi của John Lennon.

(Theo http://tuanvietnam.vietnamnet.vn / Theo newsweek)