Môi trường làm việc “độc hại” đang khiến những nhân sự tài năng rời khỏi tổ chức

Văn hóa quan trọng hơn tầm nhìn. Một số lãnh đạo có tầm nhìn tốt nhưng lại tạo ra môi trường làm việc độc hại, nơi đó tầm nhìn kia sẽ không thể diễn ra. ^ Phil Cooke

leaving-talent-pic

Có thể nói, môi trường làm việc “độc hại” là một loại chi phí. Chi phí rất đắt đỏ. Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp hàng tỷ đô mỗi năm.

Những nhân sự hiệu suất cao đang nhảy việc ở một chỉ số đáng báo động. Nhân sự mới sẽ được tuyển dụng để lấp vào chỗ trống, tuy nhiên, sau dó, nhân sự mới cũng lại tiếp tục rời đi.

Cứ như vậy vòng xoay: năng suất, hiệu suất và lợi nhuận sẽ suy giảm.

Có phải môi trường không tốt là căn nguyên?

Theo một khảo sát được thực hiện bởi Randstad US, 60% nhân sự đã nghỉ việc hoặc xem xét nghỉ việc vì lãnh đạo kém.

Có nhiều yếu tố cấu thành một môi trường làm việc “độc hại”, nó bắt đầu từ thượng tầng. Người lãnh đạo có thể bỏ qua, phớt lờ hoặc thiếu sự khích lệ sẽ là mầm mống tạo ra môi trường làm việc không tốt trong tổ chức.

Chính xác thì người lãnh đạo có thể chèo lái con tàu tiến lên phía trước, thu hút nhân tài và tiêu diệt các thành tố độc hại trong tổ chức hay không sẽ quyết định sự thành công hay sụp đổ của doanh nghiệp.

Đã tới lúc để tháo bỏ cặp kính màu hồng đề nhìn vào thực tiễn doanh nghiệp, xác định xem doanh nghiệp của bạn có đang tồn tại những dấu hiệu sau đây không:

  • Thiếu tôn trọng, xem nhẹ, quy kết sai
  • Thiên vị, lời đồn thiếu căn cứ, chính trị hóa môi trường làm việc và tồn tại các “drama”
  • Quấy rối, hành vi bạo lực công sở
  • Đổ lỗi và trừng phạt thường xuyên
  • Thiếu sự đồng cảm, ghi nhận và hỗ trợ
  • Quản trị tiểu tiết
  • Khuyến khích sự thiếu trung thực
  • Nhân sự nghỉ việc, báo “ốm” quá thường xuyên
  • Gia tăng những sai sót trong công việc
  • Tỷ lệ nghỉ việc cao
  • Làm việc nhóm kém và kỳ vọng không rõ ràng
  • Quan hệ làm việc căng thẳng giữa quản lý và nhân viên
  • Áp lực hoàn thành công việc liên tục và vượt quá khả năng của nhân sự, hoàn toàn không tôn trọng tới cân bằng cuộc sống – công việc của người lao động.
  •  Khối lượng công việc và “deadline” thiếu thực tế
  • Lao động làm việc trong môi trường sợ hãi: sợ đưa ra các phản hồi, sợ sai, sợ bày tỏ ý kiến và sợ bị phạt.
  • Lãnh đạo không có tinh thần trợ giúp
  • Điều kiện làm việc không an toàn hoặc có vấn đề về đạo đức.

Có thể sẽ khó khăn khi nhìn nhận môi trường làm việc của bạn đang có vấn đề, nhưng nếu câu trả lời là CÓ, văn hóa doanh nghiệp của bạn đang bị tổn thương bởi môi trường làm việc “độc hại”.

Đây là mấu chốt:

  • Sự thành công của doanh nghiệp của bạn phụ thuộc vào lực lượng lao động.
  • Người lao động cần có tâm lý thoải mái nơi làm việc.
  • Họ cần được ghi nhận, lắng nghe, thấu hiểu, tổn trọng và cảm thấy có giá trị.
  • Họ muốn có cơ hội để hoàn thiện cũng như phát triển bản thân.
  • Họ mong đợi sự chân thành, cảm thông từ sếp của mình và từ tổ chức.
  • Họ sẽ nỗ lực khi được trao quyền và sự tự chủ để hoàn thành công việc.

Làm sao để cải thiện môi trường làm việc?

Môi trường làm việc độc hại sẽ không tạo ra nền tảng làm việc hiệu quả. Các triệu chứng trên sẽ không thể tồn tại nếu không có một hệ thống hỗ trợ.

Bắt đầu với việc đánh giá từ tầng lớp lãnh đạo trong công ty tới từng nhân sự.

Lắng nghe, ghi nhận và lên chiến lược để sửa chữa.

Thay đổi sẽ không xảy ra sau một đêm. Nhưng không hành động thì sẽ không có thay đổi.

Con đường của bạn sẽ là: Tôn trọng, Tin tưởng, Cảm thông, Ghi nhận và Hỗ trợ.

Nguồn: Linkedin

Nhân tố quan trọng cho sự thành công của một Start-up

Phát triển thành công một start-up cần có thời gian, tài năng và sự nhạy bén trong kinh doanh. Một sự thật khá phổ biến trong quỹ đạo phát triển của một doanh nghiệp là khoảng một phần tư các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ liên doanh sẽ tìm được chỗ đứng lâu dài trong các ngành công nghiệp tương ứng của họ và 50% trong số đó sẽ sống sót sau 5 năm. Những thống kê này không hàm ý chỉ 25 phần trăm các doanh nghiệp mới có ý tưởng đáng giá. Nó có thể được hiểu tương lai của một Start-up đến từ nhiều yếu tố đằng sau mỗi ý tưởng mà được thúc đẩy bởi một loạt các yếu tố phức hợp, các quyết định và hoàn cảnh cụ thể.

the-most-important-factors-for-startup-success_embed-2

Nguồn: Salesforce 

CPD: Phát triển bản thân liên tục với CPAA

CPD: Continuing Professional Development, còn được hiểu là: phát triển nghề nghiệp không ngừng.

1. CPD là gì? Yêu cầu về CPD như thế nào?

Khi đã trở thành thành viên của một trong những hiệp hội kế toán lớn nhất thế giới CPA Australia (CPAA), một trong những điều bạn cần đáp ứng, bên cạnh đóng phí hội viên hằng năm hay tuân thủ về mặt đạo đức nghề nghiệp, là yêu cầu về Continuing Professional Development (CPD), có thể hiểu đây là yêu cầu đòi hỏi bạn phải liên tục phát triển bản thân, đặc biệt ở khía cạnh nghề nghiệp.

Bất cứ hoạt động nào góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng để giúp bạn hoàn thành tốt công việc hiện tại và chuẩn bị cho con đường sự nghiệp trong tương lai đều được ghi nhận. Các hoạt động này bao gồm: hội nghị, khóa học, hội thảo, thảo luận nhóm, training, nghiên cứu, tự học online, học ngoại ngữ, đọc sách, networking event, mentoring,… CPAA yêu cầu bạn phải đáp ứng được ít nhất 120 giờ CPD trong mỗi một khoảng thời gian là 3 năm (gọi là “triennium”), với ít nhất 20 giờ mỗi năm.

2. Nếu không đạt yêu cầu thì bị xử lý như thế nào?

Nếu bạn không tuân thủ yêu cầu về CPD có bị làm sao không? Câu trả lời là hên xui, vì CPAA không thể kiểm tra hết hơn 150.000 hội viên của mình trên khắp thế giới xem có tuân thủ yêu cầu CPD hay không, mà chỉ có thể lựa chọn ngẫu nhiên hằng năm để kiểm tra. Nếu bạn là “người được chọn”, và bạn không đáp ứng được yêu cầu, hay không cung cấp được thông tin cho cuộc kiểm tra thì bạn có thể bị treo bằng hoặc giáng cấp.

3. Làm gì để đáp ứng yêu cầu CPD – Kinh nghiệm bản thân

Ban đầu thì mình cũng nghĩ là rất khó để tích cóp CPD vì mình thường không tham gia các hoạt động liên quan đến chuyên ngành cho lắm. Một trong những hoạt động phổ biến để hội viên có thể tích điểm CPD, được văn phòng CPAA ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thường kỳ là các workshop nho nhỏ về các chủ đề chuyên ngành thì mình thường không tham gia được vì kẹt thời gian. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ các thông tin về CPD trên website của CPAA và ngồi liên hệ lại các hoạt động mà mình đã làm trong năm thì thấy có kha khá các hoạt động có thể tích điểm được. Mình ví dụ một số hoạt động mình đã liệt kê với CPAA năm rồi để tích điểm CPD để các bạn có thể tham khảo:

3.1. Đọc sách: đọc sách thì ai cũng làm được ^^. Và có thể vì hoạt động đọc sách khá dễ “ăn điểm”, nên hoạt động này bị giới hạn với quota 10 giờ cho một năm và 30 giờ cho một triennium. Không nhất thiết phải là sách chuyên ngành, mình đọc mấy sách như “Successful Interviewing and Recruitment” hay “Thế giới phẳng”, “Từ Beirut đến Jerusalem”. Miễn là sách, dù về bất cứ chủ đề gì, khi đọc mình cũng vỡ ra một điều gì đấy, ví dụ như tâm tư tình cảm hay phong cách hành văn của tác giả chẳng hạn. Nói chung là không bổ dọc cũng bổ ngang ^^.

3. 2. Mentoring: mình có hướng dẫn cho một anh học thi ACCA 2 môn là Auditing và Financial Accounting. Tuy rốt cuộc hình như ảnh rớt cả hai, nhưng lúc mentor ảnh mình cũng đã cố gắng hết sức. Nhờ mentor ảnh mà mình phải móc sách ra đọc lại và nhờ vậy mà nhớ lại kha khá kiến thức. Vậy mới nói việc mentor người khác không những giúp người mà thực ra bạn cũng đang giúp chính mình rất nhiều. Mình cũng một năm 2 lần tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm về thi tuyển vào các công ty kiểm toán Big4 cho các em sinh viên. Hoạt động này cũng có thể liệt kê vào hạng mục “Networking”. Những hoạt động như thế giúp mình network được với rất nhiều bạn trẻ tài năng dễ thương đang làm việc ở các Big4 và với các bạn sinh viên năng động nhiều hoài bão.

3.3. Học anh văn: trình độ tiếng Anh còn kém quá nên phải học thêm nhiều (thực ra mình cũng không được chăm chỉ học cho lắm. Không học thì thôi, sẵn đã học thì liệt kê kiếm điểm CPD luôn kaka.

3.4. Học online: mình có học mấy khóa về Big Data/Data Analysis trên website học online nổi tiếng Couresa, thấy rất ok. Trên này mình thấy có nhiều khóa học thú vị, bạn có thể học miễn phí để lấy kiến thức thôi hoặc nếu muốn lấy certificate thì đóng tiền hoặc xin financial aid. Mình thì xin financial aid để lấy certificate luôn với suy nghĩ là đã bỏ thời gian ra học thì cũng phải được cái certificate cho vui kakaka. Nói chung việc học này chỉ thấy lợi chứ không thấy hại, vừa là trải nghiệm một phương thức học mới tiên tiến của thế giới, được nghe lời vàng ý ngọc của các giáo sư nổi tiếng của các trường đại học danh tiếng mà nếu không có “thế giới phẳng”, không có Internet và không có những con người xuất sắc tạo ra các sáng kiến hay ho như cái learning online platform này thì mình còn khuya mới được trải nghiệm, vừa là có thêm kiến thức, thêm cái certificate để bỏ lên profile trên LinkedIn hay trên resume, và vừa có cái để tích điểm CPD kaka.

Ban đầu thì mình cũng hơi khó chịu với cái yêu cầu CPD này, nhưng sau thì thấy nó thật hữu ích. Bạn phải phát triển bản thân, và thiệt hạnh phúc khi có một tổ chức hay một người nào đó luôn theo dõi canh chừng bắt bạn phải làm việc đó (giống như hồi nhỏ đi học có cô giáo dò bài vậy đó). CPAA không kêu gọi hô hào bạn phải phát triển bản thân một cách chung chung, mà có những phương thức cụ thể để bắt bạn làm và theo dõi việc đó. Việc đó giúp bạn biết mình cụ thể sẽ phải làm gì để giỏi hơn mỗi ngày. Bạn không cần phải giỏi hơn ai, chỉ cần hay hơn tốt hơn bản thân mình của ngày hôm qua là khá lắm rồi. Đối với những bạn không phải là hội viên của CPAA, mình hy vọng các bạn cũng sẽ áp dụng phương thức này, tự đặt ra mục tiêu cho mình, ví dụ 200 giờ CPD cho một triennium chẳng hạn, để không ngừng phát triển bản thân.

Để biết thêm thông tin về CPD của CPAA, mời các bạn tham khảo ở đường link này: CONTINUING PROFESSIONAL DEVELOPMENT

Chúc mọi người sẽ đều có một hành trình học hỏi và khám phá bản thân đầy thú vị!

Source: Coffeejob

Bí quyết tự học Tiếng Anh thành tài – không cần đi học thêm

Bài viết này mình sưu tầm lại để dùng cho cá nhân cũng như các bạn nào đang quan tâm học tiếng Anh có thể tham khảo. Ai muốn cùng mình học tiếng Anh thì comment nhé 🙂

bi kip tu hoc tieng anh

Mình xem HBO, Discovery Channel hiểu hết, đọc báo or sách cũng như đọc sách Việt. Tất cả là nhờ tự học không mất đồng nào và mình khuyến khích các bạn tự học thì hơn. Mặc dù làm giáo viên và là chủ 1 trung tâm tiếng Anh đấy. Học sinh của trung tâm cũng toàn được học cách để tự học :)))) Sau đây mình sẽ chia sẻ cho các bạn hành trình tự học của mình. Cuộc đời có rất nhiều thứ cần phải làm, nên học tiếng Anh là phải thật nhanh để còn làm việc khác. Học khôn ngoan chứ không học chăm chỉ nhé. Nếu tự học mà lười thì đi học trung tâm cho lành. Tiếng Anh là cái BĂT BUỘC PHẢI GIỎI bằng mọi giá.

1. Mục tiêu của việc học:
Bật kênh truyền hình nước ngoài lên hiểu được hoàn toàn. Đọc sách bằng Eng cũng hiểu hoàn toàn. Gặp người Mỹ nói với họ thoải mái và không cảm thấy khó diễn đạt ý của mình. Đừng bao giờ học chỉ để lấy IELTS hoặc TOEIC. Ngôn ngữ là phải dùng được, ngôn ngữ chỉ để thi là ngôn ngữ chết.
2. Phương pháp tiếp cận:
Cái gì mình phải yêu thì mới giỏi được, ghét thì không đời nào . Vì thế nên đừg cắm đầu vào học quyển Grammar xanh xanh của Raymond Murfy nữa. Phải bắt đầu từ những thứ mình thấy thích như nhạc, phim, truyện…
3. Học cái đầu tiên: Phát âm. Phát âm. Phát âm. Phát âm.
Nghe thì đơn giản và dường như chỉ dành cho gà thôi nhưng cái này cực quan trọng và ở những mà chỉ 5% những người học trường “top” như Ngoại Thương và Ngoại Ngữ or Hà Nội là nói hay. Đúng ngữ điệu, nói không sai âm và không bị thiếu từ, nghe tự nhiên… . (true story). Học bằng phần mềm Tell Me More và Pronunciation Workshop. Khi học phải ghi âm và sửa 1 cách kiên nhẫn cẩn thận. Không được vội với bước này. Nhưng học phát âm mà tự học giỏi được cũng phải khá là có năng khiếu. Còn không thì đi học thêm gv VN nào nói thật hay ấy, đừng học GV NN người ta không sửa cho mình kĩ được đâu.
4. Nghe Nói trước, Đọc viết sau.
Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe Nghe
-Chăm nghe là chắc chắc giỏi tiếng Anh. Và nghe là cách học ngôn ngữ tốt nhất. Nghe ngày nghe đêm không cần hiểu. Bắt đầu nghe bằng cái thật chậm trước đã.
Sau 2-3 tuần nghe liên tục thế có thể bắt đầu nghe nhạc và phim.
-Học nghe qua bộ Effortless English cũng được, đợi Biển Sách ra đĩa có 30k thôi mà được full 4bộ. (đừng trách a quảng cáo gì vì các em search trên mạng cũng phải 90k rồi) .
-Download bộ audio trên của a về. Rồi cắm vào đt nghe suốt ngày nhé.
5. Từ mới là chìa khoá:
-PHải có 1 quyển sổ siêu đẹp siêu cute (cả con trai cũng nên mua sổ cute =))) ) để cho mìh thật thích viết vào đó, nên viết bút đỏ. Chuyên ghi lại những gì mình học được trong ngày, những “tín hiệu” tiếng Anh mà mình gặp được và học được trong ngày. 1 ngày 10 từ trong 6 tháng chắc chắn là nghe hiểu được khá khá rồi. Dùng cả giấy dán loạn xị trong nhà nữa nhé, viết to đẹp và trang trí lên nữa. Ngày xưa a học 1 ngày được 50-100 từ . Do áp dụg kĩ thuật âm thanh tương tự trong quyển Tôi Tài Giỏi ấy. Nhưng ko phải ai cũng học dc theo cách này,cần sáng tạo 1 tí. Học từ mới qua phim và nhạc, thấy cái văn cảnh nào mình thích thì ghi lại, nhớ là chỉ thấy cái nào mình thích và cho mình nhiều cảm xúc thôi. Học qua quyển Vocabulary in Use trình độ elementary cũng hay.
-Sẽ có những thứ các em biết thừa các từ lẻ nhưng đọc chẳng hiểu (vd as long as hay là work out…) thì đó là idioms. Trong cái link a gửi cũng có. Mang ra ngoài hàng mà in nhé.
6. Nói: Grammar kills your speaking. Nói dở cũng được nhưng phải nói ra thật nhiều.
Để nói có ngữ điệu hay thì không gì bằng nhại phim, người ta nói gì mình nhại theo đó là tự dưng sau 1 tháng sẽ có ngữ điệu tự nhiên. Khi người ta không nói thì mình ngồi bình luận phim hoặc diễn tả hành động diễn viên bằng lời. Cách nữa học nói là luyện nghĩ bằng tiếng Anh. Dịch toàn bộ câu mà mình nghe dc từ người nói chuyện với mình sang tiếng Anh. Dịch keyword thôi nhé, ko thì lại ko kịp.
Đi các clb speaking như Seamap cũng hay. Không thì ngồi nhà lẩm bẩm 1 mình hoặc nói chuyện với đứa cùng phòg cũng dc.
7. Đọc và viết:
-Đọc truyện đê. Manga là thứ rất lôi cuốn và dễ vào đầu.http://kissmanga.com/ và search Doraemon hay là Dragon balls, Naruto… (cái này cực kì cực kì hay :D)
-Đọc Harry Potter bằng Eng cũng hay,miễn là cái gì mìhn thích đọc là được. Hoặc truyện cười .
-Đọc sách KD bằng tiếng Anh. Phải chấp nhận là 3 quyển đầu đọc chỉ để học. Quyển thứ 4 đọc là sẽ hiểu hiểu.
Đọc nhiều là viết sẽ lên .
8. Không bao giờ được bỏ cuộc
Thuốc có thể hợp với người này không hợp với người nọ, bạn không học có hứng chỉ là do chưa tìm được đúng thứ mình thích và chưa nỗ lực đủ thôi. Không được trách hay đổ lỗi vì 1 cái gì đó mà 10 năm học rồi vẫn không giỏi tiếng Anh. Tất cả là do mình. Đừng đợi đến khi ra trường rồi mới học vì chắc chắn chẳng còn thời gian đâu. Việc hnay là của hnay. Nhớ là không ngừng tìm cho mình chỗ học mới, phương pháp mới và tài liệu mới nhé. Mình ngày xưa mất công down và mua tới gần 200GB tài liệu cơ đấy. Tiếng Việt đã là ngôn ngữ khó nhất nhì thế giới rồi đấy. Tiếng Anh là còn dễ chán. CHẮC CHẮN bạn có thể giỏi Eng mà.
Trong 1000 sinh viên chắc chỉ có khoảng dưới 100 sinh viên là giỏi tiếng Anh, 80 trong số giỏi ấy là từ khối D và có sẵn năng khiếu nào đó về ngôn ngữ rồi. Và 20 là từ khối A, và trong 20 ấy chắc chỉ có vài ba người là tự học thành tài hiếm như lá mùa thu. Những gì bạn được đọc là thuộc vào hàng rất hiếm đó .
Chúc các em sẽ thành công. Nhớ rằng chỉ cần 1 ngày 1 giờ, sau 9 tháng là sẽ dùng tiếng Anh ổn ổn đấy, từ trình độ super gà như anh ngày xưa. Nhớ là phải share cái note này vì sẽ có rất rất nhiều người sẽ bế tắc với tiếng Anh đấy.

Link bài của tác giả đã có cập nhật: Nguyễn Hiệp

Bài học Khởi nghiệp của một triệu phú Singarpore

Trên đường băng

kinh nghiem khoi nghiep

Tony vừa đi ăn cơm với Lim, một triệu phú người Singapore về. Lim học không giỏi, chỉ tốt nghiệp 1 khóa dạy nghề nhà hàng. Ban đầu Lim đi phụ bếp, lên đầu bếp rồi tích lũy ra riêng, mở chuỗi nhà hàng, đầu tư bất động sản, công nghệ, sang nước ngoài mua các dự án…

Tony dắt theo 1 con dượng để hạc hỏi. Bạn hỏi Lim, bạn là một người vừa đi làm, với thu nhập hiện nay là 6 triệu đồng, tức 300 USD, ở Sài Gòn, bạn muốn cất cánh thì phải làm sao?

Lim ngồi vạch ra một lộ trình, nói đây là nội dung Lim được học ở một khóa Entrepreneurship. Tony thấy khá hay nên ráng nhớ lại, diễn theo ngôn ngữ của mình, mời các bạn theo dõi.
————————————————————
“Hãy ngồi xuống, tự vẽ ra một cuộc sống cá nhân thông minh nhất. Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 6 triệu đồng, hãy chia làm 6 phần

1. Ở: nếu ở trọ, hãy tìm nhà trọ ở xa nhất mà có thể kết nối với chỗ làm bằng phương tiện công cộng. Ví dụ ở tp HCM, nên ở Suối Tiên/An Sương chẳng hạn, có hàng chục chuyến xe buýt vô chợ Bến Thành (sau này theo Metro số 1,2). Lúc ngồi trên xe buýt cũng là lúc quan sát xã hội từ trên cao, người đi xe máy xe hơi đều thấp hơn bạn. Không nên vật lộn với việc tự lái xe. 30 phút lái xe là 30 phút bạn lãng phí cho sự căng thẳng, nguy cơ tai nạn, hít khói bụi làm giảm tuổi thọ. Đi bộ từ trạm xe buýt đến nơi cần đến giúp tim bạn khỏe mạnh. Nếu đi xe buýt mất 1h30 và tự lái xe mất 30 phút, hãy chọn đi xe buýt. Đám đông chỉ đi xe cá nhân, mình ngược lại với đám đông, đã sao? Tại sao bạn muốn nhảy vô 5% người giàu có mà không từ bỏ được tư duy của 95% còn lại? Có việc nhỏ vậy mà bạn không dám thoát ra, thì việc lớn làm gì được? Sự sáng tạo mới đem lại cho bạn của cải và sự thú vị. Mà sự sáng tạo chỉ có khi đầu óc thảnh thơi. Sẵn sàng bỏ 2-3h mỗi ngày từ trên cao để quan sát, nghĩ lớn, ước mơ lớn. Không ai đánh thuế ước mơ. Đừng tư duy “1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh” cho nhỏ hẹp cuộc đời. Tại sao không thể sở hữu các tòa cao ốc, các chung cư, các trung tâm thương mại, các nhà máy xí nghiệp, máy bay, du thuyền? Không cần chia sẻ điều này với ai, mắc công họ nói mình khùng. Vì con cò không hiểu được đại bàng suy nghĩ gì đâu. Lim kể, lúc ảnh làm phụ bếp, đang rửa thớt thì buộc miệng nói sau này mở chuỗi nhà hàng 30 cái toàn Đông Nam Á, ông bếp trưởng chửi big illusion, đòi tạt sốt cà chua vô mặt. Giờ Lim có 100 cái nhà hàng còn ông đầu bếp kia tới gặp Lim nộp đơn xin việc.

2. Ăn: Hãy dậy thật sớm, nấu cơm, xôi, mì. Nấu thêm để mang theo ăn trưa hoặc ăn ổ bánh mì, dĩa cơm bình dân nơi gần nhất. Mình nên ăn chay rau củ quả ở mức hấp/luộc, sẽ không có gì cả đâu nếu vài ngày trong tuần bạn không ăn thịt. Người ăn chay vẫn thông minh đẹp đẽ như thường. 90% kỹ sư IT người Ấn Độ ở Silicon Valley ăn chay. Mình ăn chay không phải vì tôn giáo mà vì sức khỏe. Thỉnh thoảng vẫn cứ quất thịt cá…nhưng nếu nấu cho 1 mình mình ăn, đừng tốn thời gian. Cứ cá chiên/trứng luộc, rau củ quả hấp, trái cây là đủ. Không tốn thời gian cho việc ăn.

3. Chơi: Nên mời bạn bè 2 lần một tháng, ăn đơn giản thôi. Nhóm 4 người, mỗi đứa 2 lần, 1 tháng mình có 8 lần gặp gỡ. Hãy chọn những người hiểu biết, thu nhập cao hơn mình, đang làm công ty lớn, đang khởi nghiệp,…để nghe họ nói chuyện đời. Cá mập thì quây quần dưới đáy sâu. Cá lòng tong thì nhao nhao trên mặt nước, cạnh tranh khốc liệt việc đớp bọt. Khoe quần áo, bàn chuyện ca sĩ này diễn viên kia, bình luận tò mò Tony buổi sáng là ai, viết thế này đúng viết thế kia sai…chỉ có ở đám lòng tong. Đám cá lớn sống im lặng.

4. Học: Phải dành 10 USD=200 ngàn tiền mua sách/tháng. Người vĩ đại trên khắp thế giới, ngoài tủ rượu ra, trong nhà họ còn có tủ sách. Hãy đọc sách dạy làm người, làm giàu, sách kinh tế, sách văn chương, sách nấu ăn hoặc bất cứ sách gì ưa thích. Kiến thức rộng sẽ giúp mình làm ăn rộng. Khi đi làm, việc nói giỏi, cái gì cũng biết khiến công việc trôi chảy hơn. Tháng này bạn chưa bỏ ra 200 ngàn mua sách thì coi như thua. Đọc xong sách, kể lại nội dung cho bạn bè. Đừng giấu. Nếu có khóa học nào đó, nên đăng ký, hoặc dồn lại vài tháng làm 1 khóa, nhớ học với người thành đạt thật sự, tức người có điều hành công ty lớn, bậc trí nhân…chứ không phải nhóm mua môi múa mép.

5. Đi: Tháng để dành 1 triệu, năm sẽ có khoảng 12 triệu cho việc đi chơi. Ban đầu nên đi đường bộ sang các nước lân bang. Hãy tự thưởng mỗi năm một chuyến đi xa. Tết là thời điểm tốt để về thăm gia đình, rồi đi chơi trước khi vô làm trong năm mới. Nhất định phải đi nước ngoài mỗi năm một lần, để coi sông, coi biển, coi đại dương nó ra sao…có cái gì hay ho thì bắt chước, mang về làm ăn.

Trong tay nên có 1 cái smartphone loại bình dân để tra tìm bản đồ, hãy đặt vé máy bay/xe lửa/xe đò.. giá rẻ nhất (ví dụ airbnb là 1 trang web tìm nhà trọ rẻ).

6. Để dành: tháng TỐI THIỂU để dành 1 triệu. Cứ gửi ở ngân hàng, nhiều hơn có thể mua 5 phân hoặc 1 chỉ vàng, đó là vốn khởi nghiệp về sau.

Năm tới, nếu thu nhập vẫn 6 triệu, tự tát vô mặt. Muốn tăng lương, hãy cống hiến. Đừng sợ người khác không thấy nỗ lực của mình. Đừng “khôn” kiểu “tôi có được gì không, làm nhiều cho lắm thì lương cũng vậy”. Tư duy này khiến mình nghèo miết.

Hãy cố gắng làm thêm giờ. Bạn phải làm thêm việc ở cơ quan, đến sớm hơn, về trễ hơn. Trong lúc làm việc, tập trung cao độ, nhận nhiều việc của công ty giao, tự mở thêm các mối quan hệ trong công việc, tay kẹp ĐT, tay đánh máy, vừa đi vừa chạy…làm ầm ầm, ầm ầm vô.

Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười…cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa…rồi chết.

Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn?”. Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.

“Số phận em, số phận cá lòng tong,
thôi thì em cứ nhao lên mặt nước.
Mấy chuyện linh tinh em phải rành mới được
Tò mò bữa ni ca sĩ X ăn gì
Cầu thủ A đi xế hộp hiệu chi
Đại gia nào, diễn viên B đang cặp?

Trên FB em, những thông tin dồn dập.
“Hum nai em buồn nhẹ mí bạn ơi
Hum nai lòng em lại chơi vơi
Làm sao đây để thoát nghèo, mí bạn?”

Cứ mãi ở ao làng, rồi ao sẽ cạn
Sao không ra sông ra biển để vẫy vùng?
Sao cứ tự trói mình trong nếp nghĩ bùng nhùng?
Sao cứ mãi online và thở dài ngao ngán?
Sao cứ để tuổi trẻ trôi qua thật chán?
……
Trên đường băng sân bay mỗi đời người.
Có những kẻ đang chạy đà và cất cánh.

Nguồn: fb.com/TonyBuoiSang

Những “quy tắc” tối thiểu phải nhớ của một quý ông

Sưu tầm chơi, có cái dùng được

Hãy là một quý ông
Hãy là một quý ông

1. Đừng sử dụng “nắm đấm” với bất cứ ai, trừ khi họ thật sự là mối đe dọa nguy hiểm.

2. Hãy học cách cạo râu để không làm da bị đỏ tấy. Bạn sẽ không muốn bị rát vì vết xước đâu.

3. Khi đi, hãy ngẩng cao đầu và nhìn thẳng. Đừng cúi đầu nhìn mãi dưới chân mình.

4. Hãy mua những cái vật dụng gia đình trước khi bạn cần dùng đến chúng.

5. Đừng quên đánh răng trước khi thắt cà-vạt. Bạn sẽ không muốn chiếc cà-vạt của mình bị ướt nước đâu.

6. Đừng xuề xòa với vẻ bề ngoài. Không gì có thể khiến bạn trông đĩnh đạc hơn một bộ đồ với những đường may chu đáo.

7. Luôn giao tiếp bằng mắt khi bạn đang nói chuyện với bất kì ai

8. Đã uống, thì hãy uống cạn li.

9. Thể thao sẽ luôn khiến bạn hạnh phúc. Vì vậy, thay vì nằm ườn ra đó, hãy ngồi dậy và tìm thứ gì đó để vận động đi nào. Chạy bộ, cử tạ, chơi bóng,… bất cứ điều gì bạn thích.

10. Luôn thay đổi trang phục công sở của chính mình.

11. Khi bắt tay, hãy bắt tay một cách dứt khoát và mạnh mẽ.

12. Hãy gọi điện cho ba mẹ mỗi tuần.

13. Nếu đó là lần hẹn hò đầu tiên của bạn, đừng bao giờ mời cô ấy đến rạp chiếu phim.

14. Luôn dành tặng những lời khen cho đôi giày của nàng.

15. Đừng “lên giường” với bất kì ai nếu họ không đủ ham muốn làm “chuyện ấy” cùng bạn.

16. Nếu bạn cảm thấy không đủ tự tin, hãy tạo ra nó. Rồi sự tự tin thật sự sẽ tìm đến bạn.

17. Luôn ý thức được những ngôn ngữ cơ thể của bản thân

18. Luôn đứng dậy khi bạn muốn bắt tay chào hỏi một ai đó.

19. Hãy luôn có những quyết định có thể tạo nên những câu chuyện tốt đẹp.

20. Hãy đặt ra những câu hỏi. Mọi người luôn thích nói về bản thân họ hơn là nghe bạn huyên thuyên về mình.

21. Sự mạnh mẽ của một quý ông không chỉ nằm ở khả năng tự chăm sóc bản thân, mà còn có thể chăm sóc cả những người khác.

22. Đừng bao giờ vay mượn nếu bạn không đủ khả năng chi trả.

23. Hãy tìm kiếm niềm đam mê của bạn và nghiên cứu cách nào đó để người khác trả tiền cho đam mê của bạn.

24. Chi tiền cho những món đồ chất lượng. Bạn sẽ chỉ phải mua chúng một lần mà thôi.

25. Mọi người đều xứng đáng được bạn tôn trọng, ở một mức độ nào đó, và cho dù là họ làm bất kì ngành nghề gì hoặc vị trí của họ đứng ở đâu trong cuộc sống.

26. Điều quan trọng nhất ban có thể học chính là trách nhiệm của bản thân mình. Khi có chuyện không hay, nhiệm vụ của bạn là tìm cách vượt qua nó.

27. Người nổi giận đầu tiên cũng thường là kẻ thua cuộc, đừng quên điều đó.

28. Làm những thứ cần hoàn thành sớm và không bị bất kì lời phàn nàn nào.

29. Đừng bao giờ ngừng học hỏi. Bạn không bao giờ đứng ở đỉnh cao của kiến thức cả.

30. Đừng cố gắng thay đổi bản thân chỉ để khiến người khác hạnh phúc, trừ khi người đó là bạn.

31. Làm bất kì điều gì bạn muốn cũng được, nhưng hãy chắc rằng bạn sẽ trở thành người xuất sắc nhất.

32. Không ai trên đời này cầu mong họ có thể dành nhiều và nhiều thời gian hơn để làm việc, thật đấy. Hãy tận hưởng cuộc sống của bạn đi nào!

16 điều khác biệt của những người thành công

Hãy xem xét 16 sự khác biệt dưới đây để biết lý do của bạn.

8 điểm chung của những người thành công trên thế giới
14 đặc điểm chung của người thành công
Những lời khuyên thành công của Tổng GĐ Microsoft
Cư dân mạng thích thú đồ họa về thành công-thất bại
Vài tuần trước, Dave Kerpen, nhà sáng lập kiêm CEO Likeable Local, đã nhận được một tấm thiệp minh họa các điểm khác biệt về đặc điểm và hành vi của người thành công và người không thành công.

Tấm thiệp này được gửi đến từ mail của tên là Andy Bailey, CEO Petra Coach, sáng tạo ra Align Software và là một thành viên của Tổ chức Doanh nhân. Mặc dù cả 2 vị CEO này chưa từng gặp gỡ, nhưng trong bài đăng trên trang LinkedIn cá nhân của mình, Kerpen nói rằng tấm thiệp đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông, “nó củng cố các giá trị mà tôi tin tưởng và nhắc nhở tôi về nền tảng thành công tạo nên bởi thái độ và những thói quen hàng ngày”.

Tấm thiệp này chỉ ra 16 điểm khác biệt lớn giữa người thành công và người không thành công gồm:

1. Dũng cảm thay đổi >< Không đánh giá cao mọi người

Những khoảnh khắc của lòng biết ơn, biết ơn mỗi người và mọi người xung quanh, sẽ thay đổi cuộc sống chúng ta mỗi ngày và giúp chúng ta thành công hơn và hạnh phúc hơn. Những nhân vật mà bạn biết ơn thường là một phần quan trọng trong thành công của bạn.

Hãy đảm bảo bạn có thể nói lời cảm ơn chân thành đến mọi người mà bạn gặp gỡ và tiếp xúc, cũng như đánh giá cao sự giúp đỡ của họ. Lòng biết ơn là chía khóa cuối cùng để trở nên thành công trong kinh doanh và trong cuộc sống.

Nhật ký làm việc của một Telesales

Mình nhận ra là càng ngày mỏ mình càng dẻo và mặt mình càng dày. Ôi cái nghề Telesale. Nó làm mình thoái hóa, biến chất quá!

Ngày…tháng…năm…

Nhận được tin báo đỗ vị trí telesales (tiếp thị qua điện thoại) bảo hiểm mà mình oải. Thật tình mình chẳng thích cái nghề sale này tẹo nào. Mình vốn ngại tiếp xúc với người lạ và không giỏi xu nịnh cho lắm. Ước mơ của mình là được làm một vị trí “back office” cho yên thân.

Nhưng đúng là ghét của nào trời trao của đấy. Thất nghiệp dài hạn đã khiến mình không còn lựa chọn. Có ai nhận được tin báo đỗ tuyển dụng mà buồn và khóc ròng như mình không???

Mình rất lo khi nhận được tin báo đỗ vị trí Telesale, bởi vì mình khá nhút nhát - (Ảnh minh họa)
Mình rất lo khi nhận được tin báo đỗ vị trí Telesale,
bởi vì mình khá nhút nhát – (Ảnh minh họa)

Ngày…tháng…năm

Hôm nay đi học đào tạo nghiệp vụ, mình được dịp sốc và choáng. Chao ôi, cái giọng thầy khi làm mẫu một vụ chào mời khách mới điệu và thảo mai làm sao. Mình thật nể thầy sát đất, làm thế nào mà với chất giọng thảo mai, xu nịnh như vậy thầy lại có thể kiếm được hàng trăm khách hàng khủng.

Buổi tối, mình thử thực hành theo những gì đã học. Mình nhấc điện thoại lên, tạo một dáng rất đẹp. Thầy bảo: “Kể cả không ở trước mặt khách hàng cũng phải có ngoại hình, tư thế thật đẹp thì mới có thể tạo không khí chuyên nghiệp, thuyết phục được khách.”

Mình đọc đến thuộc lòng bài thầy “mớm” cho sáng nay: “Alo, cho em hỏi có phải anh X. không ạ, em là Hiền ở bên Công ty bảo hiểm P. Giờ anh có rảnh không ạ, em xin anh một vài phút được không anh…”

Sau một hồi “tự sướng”, mình cảm thấy tự tin đầy mình. Chỉ cần sửa chất giọng điệu hơn, nhẹt cái miệng ra chút cho giống thầy là mình đạt chuẩn.

Ngày…tháng…năm

Hôm nay là ngày đầu tiên mình làm chính thức sau khóa đào tạo. Việc trước tiên là phải lập database khách hàng. Lên mạng search một hồi, lục lại contact khách hàng xin được từ một vài event của công ty, mình có một database cũng kha khá. Nhìn vào database khách hàng với số lượng khủng, mình tự tin nhủ thầm: “Chẳng lẽ lại không dụ được một ai trong số hàng loạt cái tên như thế này!”

Ngày…tháng…năm

Sau 5 ngày ngồi lục lọi tạo database, hôm nay, lần đầu tiên mình gọi cho khách. Dồi ôi! Run như cầy sấy. Khách hàng đầu tiên là một anh làm kiểm toán có số điện thoại tứ quý 8. Mình nhấc máy, quên béng “bài” đã học thuộc, lắp bắp: “Em…em…em…em…em chào anh ạ!”. Đầu dây bên kia cũng hài hước: “Ừ, anh…anh…anh…anh…anh chào em!”

Khách hàng đầu tiên của mình rất tốt, kiên nhẫn ngồi gần 20 phút nghe mình ậm ừ trình bày. Chỉ có điều, sau khi mình kết thúc màn chào mời, anh tuyên bố: “Ừ, sản phẩm của em nghe cũng hay, nhưng mà anh không có tiền mua em ạ!”

Tưởng khách trêu, mình lấy hết dũng khí: “Anh cứ đùa em, nghề của anh hái ra tiền.” Khách hàng thật thà: “Ừ, cơ mà con vợ anh nó thu hết rồi em ạ. Hay anh cho em số điện thoại để em gọi dụ nó nhé! Nhưng anh cũng báo trước với em là vợ anh đanh đá và ghét nhất là mấy em bảo hiểm như em đó!” Nghe khách nói vậy, mình sợ sun vòi, đành ngậm ngùi nếm trải thất bại đầu tiên.

Ngày…tháng…năm…

Ngày thứ 10 kể từ khi đi làm và vẫn chưa có một khách hàng nào nhận lời. Có lao vào thực tế mới thấy lắm trường hợp tréo ngoe không thể lường trước được. Ngày hôm nay, mình đã gặp 3 khách hàng như vậy.

Khách đầu tiên, mình vừa nói “Em ở bên công ty bảo hiểm P” thì cúp máy cái rụp, gọi điện lại không bắt máy. Khách hàng thứ hai kêu “Em ơi! Anh đang bận họp, gọi lại sau nhé!” trong khi mình nghe rõ mồn một tiếng đồng nghiệp gọi anh ấy hỏi ăn trưa món gì để còn gọi. Khách hàng thứ ba lạnh lùng “Sao em nói nhiều thế, đau hết cả đầu!” rồi cụp máy, mình nghe rõ chị ấy nói vọng lại: “Hừm, lại mấy đứa telesale suốt ngày chào mời!”

Hôm nay mình đã khóc khi gặp phải khách thô lỗ, sỉ nhục mình - (Ảnh minh họa)
Hôm nay mình đã khóc khi gặp phải khách thô lỗ, sỉ nhục mình – (Ảnh minh họa)

Cả buổi sáng mình buồn vì bị kỳ thị. Mình biết cái nghề này làm phiền người khác, cũng bị nhiều người ghét. Nhưng nó cũng là nghề mưu sinh của mình và nhiều bạn khác, có cần thiết phải sỉ nhục nhau như vậy không?

Buổi chiều, lấy lại tinh thần, mình gọi điện cho anh khách kêu bận buổi sáng. Anh ấy cười phá lên: “Em lì thật!” rồi cuối cùng cũng chịu nghe mình trình bày. Kết cục anh ấy không mua, nhưng cho mình contact của một chị bạn đang quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm.

Ngày…tháng…năm…

Hura! Mình đã có khách hàng đầu tiên. Chính là mối hôm trước được anh khách từ chối mua hàng giới thiệu. Đúng là trong cái rủi lại có cái may.

Nhưng mà trong cái may thì lại có cái rủi. Chẳng hiểu sao hồ sơ khách hàng lại bị bay tít vào Sài Gòn trong khi cả mình và khách lại trú ngụ ở Hà Nội. Sau bao thời gian vất vả chạy hết bộ phận này đến bộ phận khác, viết mail gọi điện, xin lỗi khách, mình đã hoàn thành được hồ sơ đầu tiên.

Mà đến ngại, cứ phải gọi nhờ khách làm đủ thủ tục để xác nhận thông tin chuyển hồ sơ về Hà Nội. May mà chị ấy cũng tốt tính.

Có được hợp đồng này, mình không lo bị đuổi cổ sau 1 tháng thử việc nữa. Sung sướng quá.

Ngày…tháng…năm…

Khách nhắn tin cảm ơn, mình nhắn lại “Không có gì, bổn phận của em mà chị!”. Nghĩ thế nào, mình lạch cạch gõ thêm: “Có mối nào chị giới thiệu cho em với nhé! Em cảm ơn chị nhiều”Chị khách nhắn lại “Ok em”. Chết dở, càng ngày cái mỏ mình càng dẻo, cái mặt mình càng dày. Nghề Telesale này làm mình không còn là chính mình nữa. Âu cũng vì cái nghiệp!

Ngày…tháng…năm…

Vào facebook của chị khách cũ thấy chị có một nhóm bạn rất tiềm năng, thế là lại chày bửa đi xin số điện thoại, địa chỉ để liên lạc. Đã bảo là mặt mình ngày càng dày mà. Gọi điện cho khách giọng ngọt như mía lùi, trả bài trôi chảy.

Tháng này mình được thưởng vì xuất sắc có được nhiều khách. Đúng là bất ngờ, chẳng ngờ một con “gà non” nhút nhát như mình lại trở thành một siêu nhân Telesale như thế. Ngẫm lại bao ngày qua, có lúc buồn, nhục vô cùng, cũng có những lúc sướng lên tiên.

Mình vẫn tự tin miệt mài sale sau nhiều lần "nhục như con trùng trục" - (Ảnh minh họa)
Mình vẫn tự tin miệt mài sale sau nhiều lần “nhục như con trùng trục” – (Ảnh minh họa)

Không biết đã bao lần mình phải khóc khi gọi khách và bị chửi: “Anh cóc rảnh nghe em nói!”, “Chị không muốn tiếp chuyện những người như em!”, Mình uất tận họng mà vẫn phải ngọt nhạt xin lỗi rồi chào khách.

Nhưng cũng gặp rất nhiều khách hàng tốt, nhiệt tình. Có khách không mua hàng còn lịch sự xin lỗi và nói rất ngại khi mình tốn công mà không được gì. Nhờ vậy mà mình có động lực hơn để tiếp tục, miệt mài sale.

Mình không dám nói mình yêu công việc này, nhưng mình đã có nhiều thiện cảm hơn với nó. Có lẽ, kiếm sống nhờ nghề này cũng không phải là ý tưởng tồi.

Ngày…tháng…năm…

Tròn một năm sau khi học lớp đào tạo nhân viên mới, mình đứng trong căn phòng ngày xưa, nhưng với cương vị mới – huấn luyện viên. Nhìn những gương mặt tò mò, non nớt ngồi dưới, mình hắng giọng. Câu đầu tiên mình dạy cho các em là: “Làm sale, mỏ phải dẻo và mặt phải dày!”

(Lượm lặt) 

Những triết lý kinh doanh của CEO Amazon, Tỷ phú Jeff Bezos

Tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon, đang có một cuộc sống và sự nghiệp đáng ngưỡng mộ. Bezos đã đạt được rất nhiều thành công nhờ sự xuất chúng và tài thao lược trên thương trường. Tháng 8/2013, ông đã mua tờ Washington Post với giá 250 triệu USD. Bezos cũng đang xây dựng một chiếc đồng hồ 10.000 năm bí ẩn trong một hang động ở Tây Texas.

nhung-triet-ly-kinh-doanh-cua-ceo-amazon

Dưới đây là một số câu nói đáng suy ngẫm của vị doanh nhân tài ba này.

Về thói tự mãn: “Một công ty không nên nghiện hư danh hào nhoáng, vì hư danh không thể lâu bền”.

Về đổi mới: “Tôi nghĩ cũng như mọi thứ giới hạn khác, tằn tiện dẫn đến sáng tạo. Cách duy nhất để ra khỏi chiếc hộp chật hẹp là sáng tạo con đường thoát ra”.

Về hướng đi: “Nếu chỉ chăm chăm nhìn đối thủ cạnh tranh, bạn luôn phải đợi đến khi đối thủ làm gì đó. Còn nếu tập trung vào khách hàng, bạn sẽ là người đi tiên phong”.

Về xây dựng văn hóa công ty: “Vừa kinh doanh, vừa học hỏi, rồi dần dần văn hóa công ty sẽ thành hình”.

Về những ý tưởng mới: “Luôn luôn có may mắn mỉm cười trên con đường khám phá”.

Về những người ghen ghét: “Nếu không muốn bị chỉ trích, đừng làm cái gì mới”.

Về việc chọn bạn: “Cuộc sống quá ngắn ngủi để chơi với những ai kém linh hoạt”.

Về đạo đức: “Một trong những thứ khiến tôi ngứa mắt nhất là khi tới ngân hàng và thấy những quảng cáo mời chào vay tiền mua thêm một căn nhà nữa, thế là họ có thể thảnh thơi. Cách làm ấy thật ma quỷ”.

Về chiến lược: “Chúng tôi đã kiên định với ba tư tưởng lớn ở Amazon trong suốt 18 năm, và đó là lý do vì sao chúng tôi thành công: Đặt khách hàng lên trên hết. Sáng tạo. Bình tĩnh”.

Về tăng trưởng: “Mọi việc kinh doanh luôn luôn phải tươi trẻ. Nếu khách hàng của bạn mà già đi thì rồi bạn cũng sẽ đi theo Woolworth thôi”. 
(Chú thích: Woolworth là chuỗi gồm hàng trăm siêu thị giá rẻ trứ danh ở Anh, ra đời năm 1909. Công ty này đã phá sản và phải đóng cửa toàn bộ chuỗi siêu thị từ cuối năm 2008, đầu năm 2009).
Về sự xoay chuyển: “Nếu không cứng đầu, bạn sẽ phải sớm từ bỏ thử nghiệm. Còn nếu không mềm dẻo, bạn sẽ đâm đầu vào tường mà chẳng tìm ra phương án khác biệt nào cho vấn đề đang cố công giải quyết”.
Về tiếp thị: “Trong thế giới cũ, bạn bỏ ra 30% thời gian của mình để tạo ra một dịch vụ tuyệt vời, và dành 70% thời gian để quảng cáo về nó. Trong thế giới mới, những điều này sẽ đảo ngược lại”.
Về giá cả: “Có hai loại công ty, loại cố gắng thu càng nhiều phí càng tốt và loại thu càng ít càng hay. Chúng tôi sẽ là loại thứ hai”.
Theo Trí Thức Trẻ/BusinessInsider

Dòng chảy xa bờ – kẻ giết người nguy hiểm khi tắm biển

Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên dễ làm cho bạn hiểu lầm đó là nơi an toàn. Bạn sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi bạn bơi vào dòng chảy xa bờ ngay lập tức có thể bị cuốn trôi ra biển.

Kính gửi mỗi người để lưu ý khi tắm biển vào mùa hè nóng thế này và những lời bình luận cũng như hình ảnh ghi chú đính kèm phía dưới.

Trong những ngày hè nóng nực, không có gì vui thú bằng đưa gia đình đi tắm biển. Mọi người vui thú vẫy vùng cùng sóng biển, trẻ con đào cát, xây lâu đài cát chán chê rồi kéo nhau nhảy ùm xuống biển, ngụp lặn theo từng con sóng vỗ bờ. Đây cũng là dịp để chúng ta tán chuyện, thưởng thức những món hải sản tuyệt vời, rồi trở về nhà trong trạng thái tinh thần phấn chấn cho một tuần làm việc mới.
Tuy nhiên, tắm biển cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Thỉnh thoảng, chúng ta nghe chuyện thương tâm về những người hoặc trẻ em bị cuốn trôi ra biển mà mọi ứng cứu đều trở nên qua muộn.

Bài này đề cập đến một vấn đề an toàn mà chúng ta cần quan tâm khi đi tắm biển.

Dòng chảy xa bờ

– Là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip (hay rip current).

– Nơi có dòng chảy xa bờ là vùng nước lặng, hầu như không có sóng.

Dòng chảy xa bờ - kẻ giết người nguy hiểm khi tắm biển 01
Hình ảnh trên cho thấy một dòng chảy xa bờ. Trong thí nghiệm này, người ta rắc chất màu sát bờ biển, chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển.

Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng / cả năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Ở một số bãi biển, dòng nước ngược này không đi hướng ra biển mà chạy dọc theo bờ biển.

Tại sao dòng chảy xa bờ nguy hiểm?

Dòng chảy xa bờ được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển. Nó là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển.

Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.

Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Vào những ngày sóng không lớn, trái lại, người ta thường chết đuối nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ.

Dòng chảy xa bờ có thể cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.

Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối.

Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho người ta hiểu lầm đó là nơi an toàn. Người ta sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi người tắm biển bơi vào dòng chảy xa bờ đó, ngay lập tức họ sẽ có thể bị cuốn trôi ra biển.

Dòng chảy xa bờ - kẻ giết người nguy hiểm khi tắm biển 02

Trong hình trên đây, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu (breaking waves) thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng là vùng nước an toàn, còn vùng lặng sóng chính là vùng nguy hiểm.

Dòng chảy xa bờ - kẻ giết người nguy hiểm khi tắm biển 03
Cách nhận dạng dòng chảy xa bờ

Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:

· Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.

· Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.

· Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ / bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

Cách thoát khỏi dòng chảy xa bờ

Dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước, chỉ kéo người bơi ra xa bờ và thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu (breaking waves) và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ.

Lời khuyên của chuyên gia khi chúng ta bị rơi vào dòng chảy xa bờ:

– Bình tĩnh, không hoảng loạn.

– Tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.

– Đối với người bơi giỏi. Nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn vào bờ.

– Đối với người bơi yếu

+ Bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.

+ Nếu đòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ. Một lần nữa, nếu thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức.

– Nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn, cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.

– Cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.

Dòng chảy xa bờ - kẻ giết người nguy hiểm khi tắm biển 04
Tóm lại, trước khi tắm biển, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm và độ an toàn của bãi biển mà chúng ta sắp xuống tắm. Chúng ta cần dành vài phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ và không nên bơi gần những vùng đó, luôn nhớ là vùng bờ biển lặng sóng không có nghĩa là nơi đó an toàn. Khi chẳng may rơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta cần bình tĩnh, tìm cách thoát ra khỏi dòng chảy đó bằng cách bơi song song với bờ biển / bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa chúng ta vào bờ. Tuyệt đối không nên bơi ngược dòng chảy xa bờ.

Chúng ta hãy cùng nhau phổ biến kiến thức về dòng chảy xa bờ này đến các cha mẹ trẻ, đến mọi người để giúp các con chúng ta tắm biển một cách an toàn.

(Theo: Vnexpress.net)